Plaiboi's blog

kuong@ymail.com

Hải Phòng “đi trước về sau”

trên Tháng Năm 13, 2007

“Ôi Hải Phòng vết thương miền Bắc – Cổ họng chúng ta ngày đêm rỏ máu…”. Văn Cao từng viết như vậy về một Hải Phòng “đi trước về sau” trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Những ngày tươi sáng hôm nay chính là dịp để nhìn về một Hải Phòng gan góc, kiên cường trong thời kỳ thực dân phong kiến, để hiểu hơn về lịch sử hào hùng ngày đó.

Hải Phòng có vị trí nhạy cảm trong lịch sử đất nước Việt Nam từ xưa, từ thời kỳ “Hải tần phòng thủ”, và cũng được thực dân Pháp tính đến trong thời kỳ cuối thế kỷ XIX. Thực ra, lúc đó, các nước thực dân phương Tây chưa chú trọng các nước nhỏ ở Đông Nam Á. Miếng mồi béo bở mà họ nhắm tới chính là Trung Quốc. Để tiến đến Vân Nam, người Pháp từng tính chuyện ngược sông Mê Kông từ phía Nam, lên thẳng phía Bắc. Nhưng việc đó không đơn giản. Vì vậy, họ nghĩ cách xâm chiếm miền Bắc Việt Nam, chiếm Hà Nội rồi xây dựng những cây cầu sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ, thực chất là để nối con đường huyết mạch từ cảng Hải Phòng, qua Hà Nội, lên Lào Cai rồi sang Côn Minh (Trung Quốc).

Trong mưu đồ đó, Hải Phòng, với hai lợi thế cơ bản: có cảng, lại gần mỏ than, nhanh chóng khẳng định vị trí quan trọng bậc nhất trong dự định thôn tính châu Á của Pháp. Tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Vân Nam nhanh chóng hình thành, biến Hải Phòng thành vị trí chiến lược trong tầm nhìn khu vực của thực dân Pháp xưa kia. Đến tận hôm nay, với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, tuyến giao thương này và vị trí Hải Phòng lại lần nữa được khẳng định trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Hải Phòng luôn luôn phải là một cảng lớn!

Khi có tầm nhìn về Hải Phòng, thực dân Pháp cũng đồng thời nhận ra sự giàu có và vị trí chiến lược của toàn bán đảo Đông Dương, mà Hải Phòng chính là cửa ngõ quan trọng đầu tiên để xâm nhập vào bán đảo này. Thực dân Pháp quyết tâm đứng chân bền vững luôn tại đây. Vì thế, không lấy làm lạ khi Hải Phòng là nơi đầu tiên trong cả nước có điện thắp sáng (2-1894), trước cả Thủ đô Hà Nội (1-1895). Nhà hát Lớn Hải Phòng (tên gọi hồi bấy giờ) cũng được xây dựng đầu tiên trong cả nước (năm 1893), trong khi Nhà hát Lớn Hà Nội phải đến năm 1911 mới được xây dựng; ngay cả Nhà hát Lớn Sài Gòn cũng chỉ xây dựng trong khoảng giữa hai thời điểm này.

Việc dân quê kéo nhau về Hải Phòng làm ăn buôn bán và giao thương cũng là quy luật đương nhiên của sức hút phố phường. Hải Phòng khi ấy thành nơi duy nhất tiếp nhận văn minh của thế giới vào Việt Nam một cách mạnh mẽ. Cũng có lẽ thế, thương mại Hải Phòng giai đoạn đó đặc biệt phát triển. Hải Phòng cũng có sức hút kỳ lạ với những nhân tài, văn nghệ sĩ tên tuổi như Hoàng Ngọc Phách, Vi Huyền Đắc, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Lan Sơn, Nguyễn Đình Thi, Khái Hưng, Trần Tiêu… Cũng chính địa thế quan trọng đó khiến cho quân Pháp, khi âm mưu tái chiếm Việt Nam, phải xua lính chiếm bằng được Hải Phòng, lấy điểm tựa đưa lính và vũ khí vào, từ đó mưu đồ chiếm Hà Nội và nhiều nơi hiểm yếu khác.

Và lịch sử xảy ra đúng như vậy. Hải Phòng nổ súng từ 19 tháng 11 năm 1946 để chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Hải Phòng trở thành điểm đầu mũi của con tàu kháng chiến, thành vùng “300 ngày” của miền Bắc, cùng với vùng “300 ngày” Quy Nhơn ở trong Nam. Hải Phòng lại cũng là nơi “tống tiễn” những tên lính Pháp về quê vào những ngày tháng 5 năm 1955 . Ngày 13 tháng 5 năm 1955 là ngày giải phóng thành phố, cũng là ngày miền Bắc sạch bóng quân thù.

Hải Phòng “đi trước về sau” là thế. Một Hải Phòng đón “gió mới” từ nước ngoài vào, một Hải Phòng đau thương không kém trong nạn đói năm Ất Dậu, một Hải Phòng đứng đầu sóng ngọn gió, hôm nay đang tiếp tục vươn lên, khẳng định bản chất tiên phong của mũi tàu phía Bắc, dạn dày và chịu đựng, ngoan cường và bất khuất, xé gió để đi tới đích.

___________

Lược sử:

* Năm 1887, thành lập Nha Hải Phòng gồm các huyện Nghi Dương, An Lão, An Dương thuộc phủ Kiến Thuỵ và một số xã của huyện Thuỷ Nguyên.

* Ngày 11.9.1887, thành lập tỉnh Hải Phòng.

* Ngày19.7.1888 thành lập thành phố Hải Phòng thuộc tỉnh Hải Phòng

* Ngày 31.1.1898, tách thành phố ra khỏi tỉnh Hải Phòng, đổi tên tỉnh Hải Phòng thành Phù Liễn (1902), rồi Kiến An (1906).

* Ngày 20.10.1962, Hải Phòng và Kiến An hợp nhất thành thành phố Hải Phòng (Trực thuộc Trung ương).


Bình luận về bài viết này